Con không được ăn liên hoan cuối năm vì không đóng quỹ lớp, nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng MXH

Cả lớp đều đóng quỹ nhưng chỉ riêng bà mẹ này là không đóng cho con vì thấy nó không bắt buộc.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập và sinh hoạt của con trẻ ở trường, thông thường mỗi lớp đều sẽ có khoản tiền gọi là tiền quỹ, các ông bố bà mẹ sẽ đóng cho con trong cuộc họp phụ huynh để phục vụ các mục đích như khen thưởng thành tích học tập, mua sách vở dụng cụ, văn nghệ và những dịp liên hoan tổng kết cuối năm. Là bố mẹ, dĩ nhiên không ai muốn con mình rơi vào hoàn cảnh thiệt thòi cả, tuy nhiên một trường hợp xảy ra mới đây về việc nộp tiền quỹ này đã tạo nên làn sóng tranh cãi dữ dội của cộng đồng mạng.

Cụ thể diễn biến câu chuyện bắt đầu từ việc một bà mẹ không đóng tiền quỹ phụ huynh cho con, nên vào dịp liên hoan cuối năm của lớp vừa rồi con chị chỉ có thể ngồi nhìn các bạn ăn. Bị tủi thân, con đi học về liền hỏi mẹ: “Mẹ ơi sau này lên lớp 2 con có được ăn liên hoan không”. Biết được sự thật, bà mẹ quá bức xúc nên đã đăng lên mạng xã hội để “bóc phốt” cô giáo. Bài chia sẻ sau đó đã ngay lập tức nhận về vô số ý kiến trái chiều.

Bảng kê chi tiền quỹ của lớp.
“Quỹ lớp thì tôi đóng chứ quỹ hội tôi không đóng vì đấy là khoản phí không bắt buộc, ai thích thì đóng. Thế mà 31 học sinh trong lớp ăn liên hoan, lại thêm cả cô giáo chủ nhiệm và cô tiếng anh cùng 3 phụ huynh phát xuất ăn, vậy mà để mình con tôi trơ mắt nhìn mọi người liên hoan trong vui vẻ” – dòng trạng thái tỏ rõ sự phẫn nộ của bà mẹ này được chị đăng tải trên mạng xã hội để tố cô giáo, kèm với đó là những đoạn tin nhắn của hội phụ huynh trong nhóm lớp.
Được biết, lớp con chị đang học có 2 loại quỹ là quỹ lớp và quỹ phụ huynh. Nhưng ban đầu người mẹ này chỉ tham gia quỹ lớp cho con, vì cho rằng quỹ phụ huynh là không ép buộc và ai thích đóng thì đóng, còn không thì thôi. Trong lớp có sỉ số 32 học sinh thì đã 31 em đóng tiền quỹ phụ huynh là 100.000 đồng/học sinh, chỉ riêng mỗi bà mẹ này là không đóng cho con.


Đoạn chat trong nhóm lớp gây tranh cãi.

Theo như chia sẻ trong các đoạn chat thì quỹ lớp dùng để mua sách vở động viên học sinh, nhưng quỹ này khi đến cuối năm thì đã không còn đủ để chi cho các việc khác nữa. Đó là lý do mà tiền liên hoan cho lớp được trích ra từ quỹ phụ huynh. Tuy nhiên quỹ phụ huynh bà mẹ này lại không đóng giống như bao phụ huynh khác, thế nên con chị đã không có suất ăn liên hoan cùng các bạn ở lớp.

Sau khi nắm được toàn bộ đầu đuôi câu chuyện, rất nhiều người đều phẫn nộ và dành những lời chỉ trích đối với việc làm của bà mẹ. Ai cũng nhận xét trong hoàn cảnh này, người sai rõ ràng là phụ huynh chứ không phải là cô giáo nên không thể trách cô được.
Một số bình luận nổi bật như:

– Mẹ gì mà đăng facebook ăn khay sầu riêng 500.000 đồng, ăn tôm hùm, tài khoản tiền tỉ mà đóng cho con 100.000 đồng để bằng bạn bằng bè mà cũng tiếc.

– Cô không sai, ban phụ huynh không sai, người mẹ sai tại vì nếu không đóng mà vẫn có quyền lợi thì sẽ dẫn tới năm sau các phụ huynh khác cũng không thèm đóng, rồi quỹ đâu hoạt động.

– Không đóng không ai ép, nhưng đừng bảo tôi không đóng nhưng con tôi phải được liên hoan như mọi người,1 mình 1 hướng, là mẹ đang làm cho con tủi thân chứ không phải cô giáo hay ban phụ huynh nào làm cả.

– Mẹ còn không nghĩ cho bé, tại sao lại bắt tất cả mọi người lo cho đứa trẻ, nên trách mẹ thì hơn.

– 100.000 đồng chả là bao, coi như mua niềm vui và kỷ niệm cho con cái, chứ tính toán làm gì để con mình tủi thân như vậy.

Ngược lại cũng có nhiều bình luận đồng cảm, đứng về phía bà mẹ và trách cô giáo vì ứng xử không khéo với một đứa trẻ.

– Chưa nói tới việc giữa phụ huynh và cô giáo ai đúng, ai sai. Nhưng cô giáo để 1 học sinh ngồi ngoài không cho tham gia buổi liên hoan của lớp là cô sai, cô nghĩ gì khi để cho đứa bé mới 6, 7 tuổi chứng kiến điều đó?

– Nếu là mình, mình nhắn trước cho phụ huynh đó, vì phụ huynh không đóng tiền quỹ nên phần liên hoan hôm nay con không có suất. Mẹ có thể thu xếp công việc đến đón con về sớm trước giờ các bạn liên hoan. Chứ cô giáo làm như này mình thấy tội con quá.

– Tính ra cũng kỳ, 32 học sinh mà 31 bạn ăn còn 1 bạn không được ăn với lí do mẹ không đóng tiền quỹ. Nhưng trẻ con thì biết gì. Lẽ ra cô giáo hay phụ huynh khác không thể mua thêm cho đủ phần được hay sao, mà đợi có tiền mới được ăn. Đó là tính ích kỷ và ki bo.

Nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều từ cộng đồng mạng.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh khác đều cho rằng trong tình huống này không ai đúng, cả bà mẹ này và giáo viên đều sai.

– Cả 2 đều sai rồi, nuôi con mà để con không được như các bạn là mẹ quá sai. Còn ban phụ huynh thì hơi cứng nhắc, trẻ con không có tội và đồ ăn không đáng bao nhiêu, coi như mỗi phụ huynh khác làm từ thiện cho bạn cùng lớp con mình.

– Ai cũng đều sai. Cô giáo không nên chỉ vì không đóng mà làm vậy rồi gây hồi ức buồn cho đứa bé, nếu là tôi thì tôi sẽ vẫn làm thêm 1 phần không đáng bao nhiêu, chứ để vậy thì tội đứa nhỏ. Còn người mẹ thì keo kiệt quá đáng, đóng cho con mình liên hoan thôi mà cũng không làm được, bó tay.

– Mình nghĩ ở đây sai cả 2 phía. Sai thứ nhất người mẹ quá cố chấp. Cả lớp 31 người đóng thì mình cũng không nên cố chấp quá làm gì. Về mặt cô giáo và các phụ huynh đại diện lớp không nên quá so đo, đứa trẻ nó không có lỗi mà chính hành động của cô giáo và các bậc phụ huynh đã làm tổn thương con rất nhiều. Có thể vẫn chuẩn bị cho con 1 phần, hoặc bớt phần của mình đi mỗi người 1 ít chia cho con rồi nhắn tin riêng cho phụ huynh kia.

Mặc dù không biết sự việc sẽ được giải quyết ra sao, nhưng câu chuyện vẫn còn gây xôn xao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt những ngày gần đây. Qua trường hợp này, có lẽ nhiều bố mẹ và cả giáo viên cũng cần cân nhắc, xem xét lại kỹ lưỡng trước mỗi hành động mà bản thân thực hiện. Vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con trẻ, nên cần phải được quyết định sáng suốt dựa trên lợi ích và góp phần vào sự phát triển toàn diện của bé.

Để làm được điều này, sự rõ ràng, thống nhất giữa phụ huynh và giáo viên trong mọi vấn đề liên quan đến con trẻ là cực kỳ quan trọng. Chỉ có như vậy thì bố mẹ với nhà trường mới có thể cùng nhau tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh và tốt nhất cho trẻ.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *