Ăn bí đỏ hàng ngày có tốt không?

Tác dụng của bí đỏ với sức khỏe

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, trong mỗi quả bí ngô có rất nhiều khoáng chất, vitamin và các axit hữu cơ tốt với sức khỏe. Không chỉ vậy, loại quả này còn giàu tryptophan – chất cấu thành nên protein cần cho hoạt động của tế bào thần kinh.

Trong 100 gam thịt bí ngô chứa: 85 – 91% là nước, 85 – 170 kJ năng lượng, 3,3 – 11g bột đường, 0,1 – 0,5g chất béo, 0,8 – 2g chất đạm, 5 – 6g gluxit, 0,9g protein. Kèm theo đó là các vitamin nhóm B1 và một số axit béo tốt như beta carotene, linolenic và linoleic.

Tốt cho thị giác

Thị lực của mỗi người sẽ suy giảm theo độ tuổi. Quả bí ngô rất giàu vitamin A nên sẽ hỗ trợ cải thiện, bảo vệ thị lực. Thiếu vitamin A là nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, loại quả này còn chứa hàm lượng beta-carotene cao nên sẽ cung cấp vitamin A cho cơ thể.

Thêm một điều đáng nói nữa là bí ngô giàu zeaxanthin và lutein – hợp chất liên quan đến đục thủy tinh thể và nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Hàm lượng vitamin C và E của bí ngô có chức năng tương tự chất chống oxy hóa nên sẽ ngăn chặn gốc tự do gây tổn hại đến tế bào mắt.

Hỗ trợ giảm cân

Quả bí ngô rất ít calo nên là lựa chọn rất tốt cho những người đang có nhu cầu giảm cân. Đặc biệt, chất xơ từ thực phẩm bí ngô còn kiềm chế cảm giác thèm ăn nên sẽ kiểm soát việc tăng cân. Chính những điều này khiến cho các món ăn từ bí ngô rất đáng để lựa chọn cho việc giảm cân mà không cần lo lắng đến tình trạng cơ thể thiếu dinh dưỡng.

Tốt với tim mạch
Chất xơ, vitamin C, kali có trong bí đỏ có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy người có lượng kali cao thường mang chỉ số huyết áp thấp hơn nên giảm nguy cơ bị đột quỵ – hai yếu tố được xem là nguy cơ gây ra các bệnh về tim.

Phòng ngừa ung thư

Các tế bào ung thư sinh ra các gốc tự do để được nhân lên nhanh chóng. Do chứa nhiều carotenoid và lutein – hợp chất hoạt động tương tự chất chống oxy hóa nên bí ngô sẽ góp phần vô hiệu hóa gốc tự do, nhờ đó mà bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Người có lượng beta-carotene và alpha-carotene cao sẽ có nguy cơ thấp với ung thư dạ dày. Không những thế, người có lượng carotenoid cao sẽ ít có nguy cơ bị viêm họng, và một số loại bệnh ung thư.

Ăn bí đỏ hàng ngày có tốt không?

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám và Tư vấn Dinh dưỡng Người lớn, Viện Dinh dưỡng cho biết, bí đỏ có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, cần khéo léo kết hợp bí đỏ trong khẩu phần ăn, một tuần chỉ nên ăn 2 – 3 lần là hợp lý.
Theo bác sĩ Hưng, nếu ăn quá nhiều bí đỏ thì lượng beta caroten sẽ không được tiêu hóa hết do hàm lượng cao vượt mức hấp thu của cơ thể. Lúc này beta caroten sẽ bị tồn đọng ở gan và gây ra hiện tượng vàng da ở lòng bàn tay, bàn chân và cả chóp mũi. Dù vậy, vàng da do ăn nhiều bí đỏ cũng không nên lo lắng vì đây là một bệnh lý không gây hại cho sức khỏe và chỉ cần ngừng ăn bí đỏ một thời gian thì triệu chứng vàng da sẽ hết.

Không nên ăn quá nhiều bí đỏ một lúc bởi hàm lượng chất xơ quá cao có thể gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.

Ăn bí đỏ quá nhiều có thể khiến cơ thể bị ngộ độc Cucurbitacin. Bí đỏ có lượng Cucurbitacin là bí thường có vị đắng khi ăn. Do đó, bạn không nên ăn bí đỏ bị đắng nếu không muốn cơ thể bị ngộ độc thực phẩm.

Trên thế giới từng ghi nhận một người đàn ông ở Đức tử vong do ăn quá nhiều bí đỏ. Người này đã ăn số bí đỏ do không bán được. Tuy nhiên hầu hết những quả bí đỏ có vị đắng do hàm lượng Cucurbitacin cao. Việc ăn bí đỏ có chứa Cucurbitacin trong thời gian dài là nguyên nhân khiến người đàn ông này bị tử vong.

Hạ An(Tổng hợp)

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *